Đông Vạn là một xóm thuần nông, nằm về phía Tây Nam xã Nghi Vạn, cách cách trung tâm xã Nghi Vạn 1km về phía tây. Phía bắc tiếp giáp xóm Phúc Sơn; Phía đông giáp xóm Bắc Bố Sơn; Phía nam giáp xóm Tây Vạn; Phía tây giáp xã Hưng Yên Nam - Huyện Hưng Nguyên. Xóm có tổng diện tích 85 ha, đất sản xuất 48 ha với 225 hộ và hơn 800 nhân khẩu. Địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ xóm Đông Vạn phù hớp với thâm canh lúa 2 vụ/ năm. Xóm Đông Vạn được bao bọc bởi con Kênh nhà Lê với chiều dài gần 3km. xóm có Rú Bạc, hay còn gọi là núi Kim Ngân Sơn, như bức tường che chắn phía Bắc của xóm.
Quá trình hình thành, phát triển và phong tục tập quán:
Làng Vạn Tằng xưa, nay là xóm Đông Vạn được hình thành từ những năm 1290, là một trong hai làng đầu tiên của xã Nghi Vạn cùng với Làng Cao Xá. Năm 1954, cùng với sự kiện tách xã Phúc Lộc và thành lập mới xã Nghi Vạn, để thuận tiện trong lãnh đạo, củng cố chính quyền làng Vạn Tằng cũng tách thành 2 xóm Đông Vạn và Tây Vạn. Đến năm 1986, xóm Đông Vạn tách thành 2 đội sản xuất là đội sản xuất 14 và đội sản xuất 15. Năm 1996 các đội sản xuất nhập lại thành xóm 14, nhân dân vẫn duy trì tên gọi xóm Đông Vạn song song với tên xóm 14. ( tên hành chính xóm 14 chỉ được bãi bỏ sau năm 2022 khi thực hiện chủ trương về định danh điện tử và xác thực dữ liệu dân cư phục vụ Đề án 06 của Chính phủ ).
Người dân Đông Vạn không chỉ cần cù trong lao động sản xuất ra của cải vật chất, mà đời sống văn hoá tinh thần phong phú cũng rất phong phú. Đã có nhiều đền chùa được xây dựng như đền “Mùi Tăm" - thờ Thành Hoàng làng, Đền “Phúc Thụ”, đền “Nhà Thánh”, Chùa “Giếng chùa”. Theo các cụ kể lại nơi đây còn là cái nôi văn hoá truyền miệng, các loại hình ca dao, tục ngữ, hò vè rất phong phú. Cái kho tàng văn hoá vô giá này là nguồn nuôi dưỡng tinh thần được lưu giữ như một viên ngọc quý thỉnh thoảng lại cất lên trong những ngày vui. Làng xưa kia là trung tâm lễ hội của xã, có nhiều lễ hội đã gây dựng lên những phong tục tập quán rất đẹp được lưu truyền cho đến hôm nay. Đông Vạn có làng nghề truyền thống làm "cối xay đá - đá lăn". Làng có phong tục với người cao tuổi là" Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ " Câu nói cữa miệng đó như là một nguyên lý xử thế, một tiêu chuẩn đạo đức xã hội trong thời xưa và cho đến ngày nay. Lắng nghe người già truyền đạt lại kinh nghiệm, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, trong các mối quan hệ như một thói quen trong cuộc sống của người dân Đông Vạn.
Kết quả trong quá trình xây dựng và phát triển xã Nghi Vạn.
Giai đoạn 1954 - 1964:
Cùng với toàn xã, Nhân dân xóm Đông Vạn tập trung lực lượng hàn gắn vết thương chiến tranh, phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước; hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ và xây dựng CNXH; tổ chức đón tiếp, chăm sóc cán bộ, chiến sỹ đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc, quân dân tình nguyện nước bạn Lào; đồng thời tổ chức các lực lượng đấu tranh chống bọn phản động đội lốt thầy tu cưỡng ép giáo dân di cư bất hợp pháp vào Miền Nam. Đồng thời tiến hành thực hiện cuộc vận động triệt để giảm tô, cải cách ruộng đất, ổn định đời sống nhân dân (1955- 1956). Đây là thời kỳ đầy khó khăn gian khổ, nhưng nhân dân xóm Đông Vạn cùng với Chính quyền xã Nghi Vạn đã phấn đấu vượt qua để dành thắng lợi trong công cuộc cải cách ruộng đất, xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến, trả lại quyền làm chủ cho người nông dân. Sau khi xác lập quyền sở hữu ruộng đất, nông dân chủ động, tìm mọi biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao năng suất cây trồng, phát triển chăn nuôi, nhanh chóng ổn định đời sống. Sau cải cách ruộng đất, kinh tế xã nhà còn hết sức lạc hậu, đời sống của nhân dân còn thấp. Thực hiện chủ trương của cấp trên, xóm Đông Vạn đã tách thành 2 tổ sản xuất là tổ sản xuất 14 và tổ sản xuất 14. Cũng năm 1959, vào đầu tháng 12, Hợp tác xã Đông Vạn đã được thành lập 100% thành viên 2 tổ sản xuất tham gia. Đồng chí Thái Viết Thế làm chủ nhiệm. Giai đoạn này, với đặc điểm thuận lợi về sản xuất cây lúa, Nhân dân Đông Vạn tiếp tục khai phá đất hoang, mở rộng diện tích và trở thành nơi cung cấp lúa, gạo chính cho toàn xã. Tất cả người dân Đông Vạn tập trung vào mục tiêu: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền nam ruột thịt. Xác định đây là cuộc cách mạng phức tạp, gian khổ, lâu dài và tiến dần từng bước. Tháng 12/1950, Đại hội chi bộ Đảng Nghi Vạn nhiệm kỳ 1959 - 1960 đã đề ra nhiều chủ trương lãnh đạo trong thời kỳ mới, các hợp tác xã nhỏ lẽ kết hợp lại với nhau để thành những hợp tác xã quy mô hơn và hợp tác xã Đông Vạn đã sát nhập với hợp tác xã Bố Sơn thành Hợp tác xã Quyết Thắng. Lịch sử đã chứng minh việc thành lập Hợp tác xã Quyết Thắng đã tạo nhiều đòn bẩy cho việc sản xuất nông nghiệp tại thời điểm bấy giờ, phong trào thi đua sản xuất được người người, nhà nhà thực hiện và đóng góp nhiều cho xã Nghi Vạn là hậu phương vững chắc của huyện Nghi Lộc phục vụ cho tiền tuyến Miền Nam thân yêu. Năm 1960, nhiều cán bộ Hợp tác xã Quyết thắng xóm Đông Vạn được xã Nghi Vạn cử đi học tập kinh nghiệm quản lý về tổ chức hợp tác xã bậc cao, học tập chủ trương ba khoán để quản lý cơ sở áp dụng vào thực tế. Do áp dụng nhiều tiến bộ trong sản xuất lúa Hợp tác xã của xóm Đông Vạn luôn đứng đầu toàn xã, và xã Nghi Vạn đứng đầu toàn huyện. Lúc bấy giờ toàn xóm Đông Vạn có 96 hộ, 360 khẩu, trong đó có 196 thành viên Hợp tác xã. Với phong trào thi đua: Lúa năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi. Sản lượng lương thực hàng năm hợp tác xã Quyết thắng xóm Đông Vạn đóng góp cho xã lên tới 340 tấn cả lúa và hoa màu các loại. Hàng năm cùng với xã đóng góp ra chiến trường từ 180 đến 250 tấn thóc. Bình quân lương thực đầu người 22kg/ tháng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giai đoạn này, công tác văn hoá, giáo dục cũng được xóm quan tâm học tập và thực hiện. năm 1954 xóm có 1 lớp bình dân học vụ, đến 1960 mở thêm lớp bổ túc văn hoá. Năm 1965, nhân dân xóm Đông Vạn đã đóng góp ngày công lao động, và nhiều vật dụng để cùng xã Nghi Vạn, Nghi Diên mở trường cấp II Diên - Vạn. Cũng giai đoạn này, ông Ngô Sỹ Diên, con em xóm Đông Vạn làm trưởng trạm y tế xã.
Nhìn lại 10 năm sự kiện thành lập xã, cũng là 10 năm hoà bình lập lại ở Miền Bắc, xóm Đông Vạn đã có bước tiến mạnh mẽ, ước mơ ngàn đời "Người cày có ruộng" đã thành hiện thực, có tổ chức hợp tác xã để sinh hoạt và sản xuất. Tính cộng đồng được nâng lên, nhiều công trình nhà ở, giao thông được xây dựng, khai hoang. Đời sống nhân dân đi lên.
Đồng chí Thái Viết Thưởng, Bí thư Đảng bộ nhiệm kỳ 1967 - 1968; 1977 - 1978
Giai đoạn từ 1965 - 1975:
Đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Đảng bộ và Nhân dân Nghi Vạn đã xác định vị trí của mình là nằm trên tuyến giao thông đường thuỷ ( lênh Nhà Lê ), đường liên huyện Vinh - Xã Đoài, riêng xóm Đông Vạn có đỉnh Núi Bạc là điểm phòng không không quân của huyện, tỉnh để đặt pháo mét chống bom đạn. Giai đoạn này, bà con Đông Vạn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất phải chia thành các tốp nhỏ để tăng ca. Ngày tham gia vào trung đội dân quân trực chiến tại Núi Bạc, đêm vừa sẵn sàng chiến đấu vừa sản xuất lúa, hoa màu.
Thực hiện chỉ thị của Huyện uỷ Nghi Lộc, nhiều hộ gia đình xóm Đông Vạn tiếp nhận những người già yếu, trẻ em, người tàn tật từ xã Nghi Liên lên cư trú.
Phong trào "Ba sẵn sàng": sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Hai chữ "Tổ quốc" thiêng liêng đã thấm vào máu thịt của một thế hệ thanh niên Đông Vạn. Lớp cha đi trước, lớp con đi sau, nhiều gia đình cả cha và con cùng xung phong ra trận như chồng và con của mẹ Việt Nam anh hùng - Thái Thị Kính, mẹ Việt Nam anh Hùng - Nguyễn Thị Hiền.
Kết thúc chiến tranh, toàn xóm có 11 Liệt sỹ, 3 mẹ Việt Nam anh hùng, 9 thương binh, 7 bệnh binh, 2 đối tượng nhiễm chất độc hoá học, 14 dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong; 24 gia đình được nhận Huy chương gia đình và được công nhận gia đình có công với cách mạng khi nuôi dưỡng bộ đội, chăm sóc thương binh, cống hiến vật tư làm đường, cầu, xây dựng trường học ....
Cũng giai đoạn này, Đông Vạn cũng có nhiều con em tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ và giữ các chức vụ quan trọng của Đảng uỷ. Nổi bật có Đồng chí Thái Viết Thưởng - Bí thư Đảng uỷ khoá XII - phó bí thư trực Đảng khoá XIV, XV - Chủ nhiệm hợp tác xã khoá XVII. Trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, nhân dân xóm Đông Vạn đã vững tay cày, chắc tay súng khắc phục bao khó khăn thử thách, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển sản xuất.địch đến là đánh, địch đi lại tiếp tục sản xuất; ngay làm không đủ, tranh thủ làm đêm đã trở thành mệnh lệnh của con em Nghi Vạn. Mục tiêu sản xuất bấy giờ là "5 tấn thóc, 2 con lơn, 1 lao động trên 1ha diễn tích đất nông nghiệp để phục vụ chiến trường và ổn định đời sống Nhân dân. Năm 1976, Nhân dân Đông Vạn tiếp tục khai phá đất hoang, giời làng lập xóm mới để nhường đất cho sản xuất lúa. Từ 20ha đất nông nghiệp đã lên đến 38ha đất nông nghiệp sản xuất lúa 2 vụ. Nhờ làm tốt công tác mà sản lượng lương thực tăng cao, năng suất 6,5 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 248 tấn; khoai và hoa màu các loại đạt 570 tấn. Là xóm trọng điểm của xã trong thời bấy giờ. Các tổ chức hội trong hệ thống chính trị như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ của xóm là nòng cốt trong mọi hoạt động của Đảng bộ và tổ chức hội cấp xã. Từ 1970 đến 1975, chi bộ Đông Vạn kết nạp được 6 đảng viên mới và nhiều đảng viên là cán bộ chủ chốt của xã qua các nhiệm kỳ Đại hội như đồng chí Thái Viết Thưởng, đồng chí Thái Viết Thảo, đồng chí Thái Viết Phược, đồng chí Trần Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Văn Phước. Nhiều thế hệ con em xóm Đông Vạn trưởng thành trong Quân đội và giữ các chức vụ quan trọng trong đó có đồng chí Đại tá Phan Đình Cát, thầy giáo trường chuyên Huỳnh Thúc Kháng - Cựu chiến binh Thái Viết Lộc...
Có thể khẳng định kế hoạch 10 năm lần thứ 2, sau khi thành lập xã của xóm Đông Vạn đã để lại nhiều kết quả, đóng góp lớn cho sự nghiệp vừa xây dựng quê hương vừa phục phụ kháng chiến.
Mẹ Việt Nam anh hùng: Thái Thị Kính
Giai đoạn từ 1976 - 1986:
Hoà bình thống nhất đất nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong hai kế hoạch 5 năm: 1976 - 1980 và 1981 - 1985 do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 và lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Trong 10 năm này nhân dân xóm Đông Vạn luôn gương mẫu đi đầu phong mọi lĩnh vực. Tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai làm thay đổi toàn diện bộ mặt xã nhà về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất đời sống. Đại hội Đảng bộ khoá XIX, năm 1976 đã đề ra phương hướng sắp xếp lại lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống Nhân dân và xây dựng xã Nghi Vạn thành xã điểm của huyện. Vì thế Nhân dân xóm Đông Vạn tiếp tục củng cố lại đồng ruộng, gom ruộng nhỏ thành thửa to, đào đắp kênh mương, làm bờ vùng, bờ thửa để thuận tiễn trong việc vận chuyển lúa khi thu hoạch và giữ nước tưới. Phát triển các ngành nghề thủ công như làm vôi, khai thác đá. Năm 1981, thực hiện chủ trương khoán sản phẩm, Nhân dân Đông Vạn tiếp tục tăng cường mở rộng diện tích. Năm 1981, toàn xóm có 48ha đất sản xuất lúa, tăng 10ha so với năm 1975 và ổn định cho đến tận sau này. Kết quả của 10 năm lần thứ 3 sau thành lập xã của Nhân dân xóm Đông Vạn đã góp phần giúp xã Nghi Vạn trở thành xã trọng điểm của Huyện. Xã nhận nhiều Bằng khen và giấy khen của Tỉnh, Huyện. Đặc biệt được Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng ba.
Giai đoạn từ năm 1986 - 2010:
Gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với Đảng bộ Nghi Vạn, Nhân dân xóm Đông Vạn xóa bỏ tập tục sản xuất lúa dài ngày, tập trung cho các giống lúa lai, Khang dân 18, nếp 87. Xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao và nhân dân thường gọi là "Đồng Vàng". Đến năm 2010, năng suất bình quân 8 tấn/ ha/mùa. Sản lượng lúa cả năm đạt 760 tấn. Kinh tế vườn được Nhân dân đẩy mạnh sản xuất, vừa sử dụng trong gia đình vừa trao đổi, mua bán tại chợ. Chăn nuôi phát triển mạnh, hàng năm phát triển thêm từ 200 - 300 con trâu, bò, me, nghé và xuất chuồng 150 - 200 con. Thu nhập từ việc bán trâu bò đã tạo điều kiện cho Nhân dân mua sắm các loại máy móc sản xuất, trang thiết bị phục vụ đời sống hàng ngày. Giai đoạn này về kinh tế xóm Đông Vạn vẫn duy trì là xóm trọng điểm của Nghi Vạn. Không chỉ có kinh tế, đời sống văn hóa được Nhân dân xóm Đông Vạn phát huy hiệu quả, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Đội văn nghệ của xóm Đông Vạn là hạt nhân trong các phong trào của xã và luôn dành nhiều giải thưởng của huyện. Hệ thống chính trị vững mạnh với số lượng đảng viên chi bộ gần 30 đảng viên, là chi bộ có số đảng viên cao nhất xã thời điểm bấy giờ. Nhiều đảng viên là cán bộ chủ chốt của xã như đồng chí: Thái Viết Phược, đồng chí Thái Doãn Sỹ, đồng chí Ngô Sỹ Thế. Tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có đồng chí Thái Viết Dũng, Bí thư Huyện đoàn; Chánh thanh tra Ủy ban Nhân dân huyện; Chủ tịch Hội Nông dân huyện.
Giai đoạn 2010 - 2020:
Đây là giai đoạn vàng của Nhân dân Đông Vạn, là tiền đề để có một Đông Vạn vững mạnh toàn diện từ kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh đến hệ thống chí trị của xóm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống yên vui cũng như trong khó khăn hoạn nạn, cùng chung lưng, dấu cật lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính với nghề trồng lúa nước là nghề truyền thống. Nhờ chuyển dịch giống, thời vụ hợp lý nên năng suất hàng vụ tăng, kinh tế vườn phát triển tốt, chăn nuôi đạt nhiều hiệu quả. Nhiều gia đình đã đầu tư phát triển kinh tế theo quy mô nhỏ từ 3 đến 5 con lợn nái, 10 đến 15 con lợn thịt, ngoài ra hầu hết các gia đình đều nuôi từ 2 - 3 con. Bình quân mỗi năm xuất chuồng từ 35 - 40 tấn lợn thịt và lợn con. Tổng đàn trâu bò đến năm 2020 có 250 con. Giai đoạn này Nhân dân tập trung phát triển dịch vụ xuất khẩu lao động và có máy nông nghiệp hỗ trợ sản xuất nên chăn nuôi phát triển chậm và số tổng đàn giảm hơn. Ngoài việc không ngừng củng cố, tu bổ và xây dựng mới các công trình thuộc hạ tầng cơ sở của xóm. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng đổi mới, ngày càng đi lên thì đòi hỏi các thiết chế văn hoá ngày càng được củng cố, bổ sung để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân sau những thời gian lao động mệt nhọc, vất vả. Vì vậy bằng sự huy động nội lực đóng góp tiền của và ngày công lao động năm 2010 xóm đã xây dựng xong nhà văn hoá xóm trị giá trên 100 triệu đồng có đầy đủ bàn, ghế làm việc để nhân dân hội họp, tạo được điểm vui chơi cho trẻ em trong các dịp hè, ngày lễ, tết. Hệ thống loa truyền thanh được đặt ngay tại nhà văn hoá là phương tiện để thông tin, thông báo tới dân những tìn cập nhật nóng hổi trong ngày, đã thực sự phát huy tác dụng rất hiệu quả. Ngoài ra với 100% số hộ có phương tiện nghe, nhìn đã góp phần không nhỏ trong việc nắm bắt thông tin thời sự nóng hổi trong ngoài nước và tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc phát triển kinh tế. Năm 2019, xóm Đông Vạn vinh dự được Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc công nhân Làng Văn hóa. Đến năm 2020 xóm đạt Làng văn hóa tiêu biểu. Giai đoạn này, xóm cũng được nhận nhiều Giấy khen từ các cấp cho nhiều kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Chi bộ Đảng. Với sự đóng góp của Nhân dân Đông Vạn trong 10 năm ( giai đoạn 2010 - 2020), xã Nghi Vạn đã về đích nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh trao Bằng công nhân cho Nhân dân và cán bộ xã Nghi Vạn, Xóm Đồng Vạn vinh dự được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2021 - 2024:
Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, Nhân dân xóm Đông Vạn gặp nhiều thách thức trước đại dịch covid-19, sự biến đổi khí hậu, giá cả thị trường leo cao đặc biệt là biến động về đất đai đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế. Cùng với đó là sự phát triển của internet và mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân Đông Vạn. Nhưng với quyết tâm cao và sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Nhân dân và cán bộ xóm Đông Vạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Tổng giá trị sản xuất năm 2024 đạt 63,1 triệu đồng, tăng 24 triệu đồng so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ôn định với diện tích trồng lúa trên 48ha. Nhiều công trình trọng điểm đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dịch vụ thương mại góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho địa phương. Từ năm 2021 đến tháng 9 năm 2024, đã chuyển 0,3 ha đất nông nghiệp sang phục vụ kinh doanh dịch vụ, chuyển 1,2 ha đất nông nghiệp sang đất ở. Văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Xây mới nhà văn hóa với thiết chế văn hoá đạt chuẩn, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 98%, người dân tập luyện thể dục thể thao đạt 55%. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được duy trì ổn định, nhất là an ninh nông thôn, an ninh vùng đặc thù. Tập thê Ban cán sự xóm đồng thuận, thống nhất và luôn quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn nhân dân. Công tác quản lý, giáo dục, đánh giá đảng viên được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt từ 80 - 85%. Công tác Dân vận được triển khai đồng bộ với xây dựng mô hình điển hình dân vận khéo. Trong nhiệm kỳ đã có 6 mô hình được xây dựng trong đó có 1 mô hình cấp huyện. Nhiều hoạt của ban công tác mặt trận và các chi hội, chi đoàn đã tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị. Giai đoạn này con em Đông Vạn có nhiều người tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và đảm nhận các chức danh chủ chốt xã như đồng chí Thái Viết Điệp - Phó bí thư thường Trực Đảng ủy, đồng chí Ngô Sỹ Thế - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch UBND xã.
Từ những kết quả đạt được trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng đến nay đời sống nhân dân xóm Đông Vạn hoàn toàn đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/ người/ năm. Đây là kết quả của sự cố gắng nổ lực của toàn thể cán bộ và nhân dân trong xóm trong thời gian qua. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, từ một Làng quê cũng như bao làng quê khác, nhưng các thể hệ người con xóm Đông Vạn đã biết vượt khó vươn lên và đã đạt được nhiều thành tích rất đỗi tự hào.
Tác giả bài viết: th
Những tin cũ hơn